エピソード

  • Chuyện ở Chicago - hay còn gọi là Chí Thoòng - thành phố gió
    2024/10/13
    1. Zu là một cô gái rất cừ – rất đáng để học hỏi và để yêu quý thật nhiều. Zu có thể nói chuyện với bất kì ai, nói rất nhiều, thao thao bất tuyệt, nhưng cũng có thể im lặng cả tuần trời. Giỏi là chưa đủ, đức khiêm cung là thứ mà tôi học được rất nhiều từ cô em bé nhỏ này. Hàng ngày trên newsfeed của tôi vẫn hiện ra một vài thậm chí rất nhiều bạn trẻ “kêu gào” một cách “hốt hoảng” quá lố “đầy giật gân” về tĩnh, về thiền tịnh nhưng thật ra trong tâm thì đầy bão tố. Ở Zu dù chẳng bao giờ nói ra, nhưng cô ấy rất “tĩnh”, và “tĩnh thật thông minh” và luôn biết rất rõ mình đang ở đâu trong hành trình cuộc đời mình. Chu du khắp nơi trên thế giới, một người trẻ với lòng nhiệt thành luôn hừng hực với thế giới bao la, chẳng phải là thứ hành trang quý mà cả đời ta cần dành dụm hay sao?
    2. Chí Thoòng là tên gọi thân thương chúng tôi dành cho Chitown – Chicago – thành phố đầy gió đầy quyến rũ mà chúng tôi “tự nhiên” “dại dột” yêu ngay từ mùa hè đầu tiên đặt chân đến. Ở đây, gió không bao giờ ngừng thổi và ngay giữa nhịp thị thành ồn ào đó vẫn luôn có chỗ cho một bà lão ngồi chơi cả ngày với chim bồ câu, tĩnh lặng nhìn nhịp đời trôi chảy. Chúng tôi tin là mình may mắn khi được yêu Chicago vì đó là một cô gái có hồn và gương mặt không góc chết. Cô ấy có thể xinh đẹp rực rỡ giữa nắng hè Mid-west rồi đột nhiên thuỳ mị hẳn giữa điệp trùng “thu vàng” làm tung bay tóc, và rồi một sáng ta thấy má mình ửng đỏ, hơi thở phất phơ đầy khói và mỉm cười hít hơi lạnh của đông về trong cảnh lung linh của tuyết. Và xuân nồng, và lộc mới, cô gái này luôn đẹp dù ở bất cứ góc nào. Chúng tôi tin là sau hai năm ở đất này, hiểu rõ thứ “Vibe” kì diệu mà không thành phố nào có được, cũng là lý do khiến cho Chí Thoòng lạ mà vẫn dịu đến vậy.

    3. Và chúng tôi, hai đứa du học sinh được run rủi học cùng thành phố, cái xong tự nhiên thấy mình cũng giống nhau lạ. Hay len lén giấu những chộn rộn xôn xao của những tâm hồn “hoa ti gôn” vào những góc khuất để giả vờ là không quan tâm nhưng thật ra làm sao giấu được bản chất của những người sống bằng trái tim “chưa bao giờ nguội lạnh” trước cảnh, trước người và nhip sống quanh mình để luôn dũng cảm hú hét ầm lên với chính mình về lòng nhiệt thành dành cho cuộc sống. Chúng tôi cách nhau cả thảy là 7 trạm tàu (4 tàu đỏ và 3 tàu tím) và cùng sống ngay sát bên hồ Michigan, cả hai hiểu nhau như lòng bàn tay, hiểu rõ những lúc hay “moody” nhất. Zu “phát minh” ra danh hiệu “Đại ka” để rồi mình lấy đó làm trách nhiệm cho cả đám đàn em cùng lứa FB 2015 cùng vượt biển. Chúng tôi cùng vượt qua những lần đói no cùng nhau. Đói no là một từ nghe có vẻ cliche và “Ngô Tất Tố” nhưng thật ra nó hoàn toàn chính xác khi miêu tả về những tình huống này. Cô em sẵn sàng Wire nóng vét túi toàn bộ tiền cho thằng anh mua bánh mì cầm cự những ngày cuối tháng. Những ngày gần cuối của Zu ở thành phố gió, hai anh em lang thang qua những con phố quen để lại mỉm cười với cô gái Chicago – đẹp không tì vết, để thấy kỉ niệm ăm ắp ở khắp nơi, để tai vẫn nghe văng vẳng tiếng tàu đỏ báo ga sắp tới để thấy mình lại “len lén” mắt cay tay vẫy cho những cuộc chia tay “cần phải có” của đời người.

    À mà không! Chia tay nghĩa là “hẹn gặp lại” mà, em gái nhỉ 🙂

    続きを読む 一部表示
    20 分
  • Hà Nội mùa thu - Hành trình kỉ niệm
    2024/10/02
    Nhìn lại hành trang tuổi đời, sinh ra, lớn lên, sống và làm việc ở nhiều vùng đất trên khắp Việt Nam và trên thế giới, tôi ít khi đếm lại mình đã đi qua những đâu, gặp gỡ những ai… Vì suy cho cùng, cảm thức quan trọng hơn những con số khô khan chỉ để đếm. Sáng nay, khi ra đường đi làm bắt gặp gió thu và xôn xao trên phố là những hân hoan của 70 năm ngày giải phóng Thủ đô, tôi quyết định thử lần đầu tiên đếm xem mình đã ở Hà Nội bao lâu so với các thành phố khác. Hoá ra thời gian tôi sống và làm việc ở Hà Nội đang là nhiều nhất, nhiều hơn cả vùng đất tôi sinh ra và lớn lên. Nếu người ta tính theo số năm sống và trải nghiệm ở một vùng đất để gọi một nơi chốn là “quê” thì Hà Nội có lẽ với tôi cũng là một quê hương từ lúc nào không biết…. Tôi ra Hà Nội lần đầu tiên vào những năm 2000, tham gia vòng chung kết một cuộc thi Hùng biện tiếng Anh do Ban Khoa Giáo tổ chức. Lúc đó hàng không vẫn còn đắt đỏ nên Đài cho đi tàu và cũng là một chuyến hành trình đáng nhớ từ Nam ra Bắc. Vẫn nhớ như in cảm thức tinh khôi khi 5h sáng tàu chuẩn bị đi qua những ga đầu tiên của Hà Nội là Giáp Bát, Văn Điển, bắt đầu cửa ngõ thủ đô. Lúc này trên loa của tàu rộn ràng thông báo hành khách chuẩn bị tư trang hành lý để xuống ga Hàng Cỏ và cũng rộn ràng hơn bởi tiếng nhạc của bài “Hà Nội một trái tim hồng”. Lúc đó Hà Nội trong tôi là một thủ đô kinh kì, phủ màu sepia của những thứ xưa cũ nhuốm màu thời gian. Hà Nội nhỏ nhẹ, nho nhã kiểu như một chàng thanh niên rất lịch sự và bặt thiệp trong giao tiếp nhưng cũng rất khó hiểu. Khó hiểu đầu tiên với một người phương Nam là ngôn từ. Sau này khi sống đủ lâu ở đây tôi mới bắt đầu quen với những từ vựng “mới” ở phiên bản “miền Bắc”. Ví như đi mua “cái mền” thì phải dùng từ “cái chăn” còn “cái mùng” thì là “cái màn”. Hay “rau ngò” ngoài này gọi là “rau mùi” còn “ngò gai” thì là “mùi tàu”. Thứ cây nấu canh chua ở miền Nam gọi là “bạc hà” còn ngoài này gọi là “dọc mùng”. Sự khác nhau về từ vựng chỉ là một thứ, các địa danh của Hà Nội lúc đó cũng làm cho tôi vừa lạ, vừa buồn cười. Những địa danh nghe rất ngắn, cộc lốc như là Chèm, Nhổn…tất nhiên là làm ta thấy rất lạ. Tôi cũng lạ lẫm và bật cười thành tiếng khi đi ngang qua một tấm biển ở phố Hàng Bông - đề chữ “Nhà trồng răng Sinh Sinh”. Giờ thì nhiều phòng khám nha khoa, phòng răng đã dùng những phiên bản “toàn dân” hơn, nhưng cái “nhà trồng răng Sinh sinh” thuở ấy cứ mãi nằm ngoan trong ký ức như một thứ “rất Hà Nội”. Sau ngần ấy năm tôi cũng đã ở qua đến gần cả chục điểm khác nhau rải rác trên khắp Hà Nội. Có những chỗ giờ đã mở đường, rất khác xưa, hoặc không còn nữa. Mẹ tôi hay bảo Hà Nội chật chội, nhất là ở khu phố cổ. Tôi thì thấy sống nhiều thành quen, với cả có khi mình thay đổi góc nhìn thì sẽ lại thấy khác. Nhiều người lữ khách chọn Hà Nội làm nơi dừng chân “hơi lâu” có lẽ không chỉ vì cuộc sống mưu sinh mà còn có lẽ vì “quen hơi, quen đất, quen người Hà Nội”. Khái niệm “Người Hà Nội” theo thời gian, những dòng di cư, sự phức tạp của những “mối duyên” cũng trở nên đa dạng hơn. Nhưng may mắn là tôi cũng đã được trải nghiệm nhiều vị của “đặc sản người Hà Nội”. Viết về Hà Nội, nhà văn Nguyễn Việt Hà phác hoạ chân dung “người Hà Nội” thông qua hình ảnh “con giai phố cổ” vừa hóm hỉnh giễu cợt vừa ấm áp: “Bọn họ thong thả ăn, tinh tế mặc, chầm chậm sống. Có bọn họ, Hà Nội hôm nay mới có nổi dăm bảy hàng phở ngon, vài ba quán cà phê thị dân sâu lắng”; “Ngày nay, lớp cao bồi già đang tuyệt tự dần. Chẳng biết họ hay hay dở, nhưng… không có họ, Hà Nội sẽ vĩnh viễn mất đi một khoảng trống bi tráng nhố nhăng” (Cao bồi già Hà Nội). Có lẽ rất khác biệt với các thành phố khác, đến đây vào bất cứ thời điểm nào trong năm, người lữ khách sẽ được nhắc nhớ bởi những sắc hoa “...
    続きを読む 一部表示
    16 分
  • Tàu tốc hành lên thiên đường
    2024/06/04

    “Chuyến tàu tốc hành lên trời”, “hoả tiễn phóng lên nóc nhà thế giới” và còn nhiều tên gọi khác là những mỹ danh rất đẹp để gọi Chuyến hoả xa từ Thành Đô đi Lhasa mà tôi sắp miêu tả dưới đây. Với tôi, đơn giản đây là một chuyến hoả xa rất đáng nhớ với rất nhiều những trải nghiệm “lần đầu tiên” trên tuyến đường sắt cao nhất và với lộ trình dài nhất mà tôi từng được trải qua.

    続きを読む 一部表示
    13 分
  • Việt Nam ngoài cửa sổ
    2024/02/18

    Quyết định đi dọc Việt Nam bằng tàu là một quyết định đến rất cảm tính. Nó cảm tính bởi vì khi đưa ra quyết định này, tất cả những tưởng tượng trong đầu đến đến từ những ký ức cách đây hơn 10 năm về trước khi mình lên tàu lần đầu tiên từ Sài Gòn ra Hà Nội. Và có lẽ cũng vì nó cảm tính nên sự háo hức còn nguyên. Ví như câu chuyện của cô bạn kết hôn ở tuổi 18 sau khi gặp người bạn trai lần thứ 4. Cô chia sẻ về sự ngưỡng mộ, tình yêu theo kiểu tôn thờ và cuồng tín. Chính vì vậy nó háo hức và đáng để chờ đợi lắm. Chuyến đi của tôi cũng vậy! Tôi lên tàu TN, chuyến tàu chậm nhất vào tháng 10.2014 vào những ngày mà miền Trung oằn mình chống bão, tàu bị kẹt ở Quảng Bình, cảm giác bị delay tàu rất lạ nhé, vì mình sẽ không biết chính xác tình hình tiếp theo như thế nào. Nhưng điều mình thấy ý nghĩa nhất là mình đã học được rất nhiều bài học ý nghĩa, nghe được nhiều câu chuyện và dành thời gian để tĩnh lặng lúc tàu bị kẹt phải dừng bánh để ngắm nhìn những thứ rất đẹp trước mắt mình, những thứ sẽ đến mà không hề được báo trước. Và một Việt Nam rất đẹp đang trôi qua lúc nhanh lúc chậm ngoài cửa sổ.

    続きを読む 一部表示
    18 分
  • Mùi của Tết
    2024/02/03

    Giờ này ở nhà chắc mẹ đã đi chợ về, mua thật nhiều thứ đồ mà mình đoán là chuẩn bị cho Tết. Có oản, dưa hành, vài thứ hoa quả…cho ngày rằm. Mẹ hay nói lụi hụi lại sắp rằm tháng Chạp, còn hơn nửa tháng nữa là Tết rồi. Bước ra sân và hít căng vào lồng ngực không khí của một ngày mới ngập tràn trước cửa. Sẽ có ai đó cho rằng ngọa tưởng cho có chuyện để mà nói nhưng tôi tin chắc rằng bạn sẽ đồng ý rằng cái tâm tưởng khi nghĩ về những ngày năm hết tết đến. Xuân ngắn ngủi nên tình cũng mong manh lắm, và theo đó mùi của gió, mùi của Tết cũng nồng hơn.

    Ngày xưa, nhớ mùi của tết đến trong mớ nước mẹ nấu cho tắm trong chiều 30 tết. Tắm để tẩy đi những nhớp nháp của cả năm để có một mùa mới tinh khôi hơn. Chiều 30 Tết đậm đặc mùi của xuân tiết nhất với những mâm cúng nghi ngút khói, trẻ con đã xúng xính áo tết từ chiều, những bộ quần áo còn thơm mùi xộc thẳng vào mũi làm người ta hít hà vì sướng. 30 Tết ngày xưa còn nồng nàn mùi pháo tết, cái mùi mình thích mê và cứ hít lấy hít để mặc cho mẹ mắng. Chiều 30 Tết muốn tắm thật nhanh để nhào nhanh ra ngõ, để đón mùi của Tết để thấy xôn xao hơn và để thấy thời gian cũng rộn ràng gõ nhịp thật nhanh những khoảnh khắc cuối năm.

    Cũng đã nhiều năm lắm rồi không có ngày 30 Tết ở nhà. Quay cuồng với những câu chuyện mùa xuân tứ xứ, ráng đem mùa xuân thật nhất cho nhiều người. Có lúc thấy mùi tết ở nhiều nơi đè mình nghẹt thở. Mùi Tết ở Lý Sơn đạm bạc nhưng ríu ran với cái gió reo vui từ biển cả. Mùi Tết ở Đồng Văn đậm nồng cao nguyên và đặc quánh vì rét, vì nhớ nhà. Và mùi tết ở đường hoa Nguyễn Huệ có cả vị mặn của nước mắt giờ giao thừa khi kết thúc cầu. Và chợt nhận ra mùi tết đượm nhất là mùi tết của năm xưa- mùi tết từ bàn tay mẹ, từ mâm ngũ quả cuối năm trên bàn thờ. Mỗi năm, mỗi tuổi qua, mùi tết cũng sẽ khác dần, đậm nhạt do người cảm, vui buồn do người vun. Đôi khi mùi cũng biết hạnh phúc reo cười như đứa trẻ được may quần áo mới. Tết này dự định sẽ về nhà vào chiều muộn của ngày cuối năm. Hi vọng là những lo toan và tình cảm riêng vụn vặt không níu ta lại vào ngày cuối năm này.

    Về đi ta! Mùi Tết đang chờ ngoài ngõ...

    Ở cuối Podcast này mình có sử dụng bài Mùa Xuân Gọi của nhạc sỹ Trần Tiến - bản phối trong album 98-03 của Hà Trần - một bản Mùa xuân gọi hay nhất từ trước đến giờ. Lần nào nghe cũng bồi hồi như lần đầu tiên.

    続きを読む 一部表示
    7 分
  • Tết là mẹ
    2024/01/31
    TẾT LÀ MẸ Mình với bạn Tết biết nhau và làm bạn với nhau cũng mấy chục năm rồi đó. Mình vẫn còn nhớ ngày xưa khi cậu bé hai ba tuổi ngây ngô lần đầu làm quen với Tết. Hình ảnh của Tết trong mình lúc còn con nít nhiều màu sắc lắm và cũng chộn rộn lắm. Mình vẫn nhớ ở một thị xã nhỏ ở miệt sông nước Cửu Long, những ngày cận Tết cũng là lúc xe chở cây kiểng từ đâu ùn ùn đổ về và chưng đầy đường. Con nít tụi mình hay nấp sau những chậu hoa cúc đại đoá bự chảng để chơi năm mười. Là con nít thì không bao giờ than mệt và cũng không bao giờ biết mệt, Tết là dịp để con nít không phải đi học và mẹ cũng dễ tính hơn và cho chơi thả ga. Và con nít cũng không bao giờ biết nỗi niềm của người lớn sau những lo toan cho Tết. Mẹ đi làm pháo, ít tiền, khoản tiền dành dụm chỉ để nuôi đủ hai mẹ con trong căn nhỏ. Tết, mấy xe honda chở đồ con nít đến rao rực rỡ tưng bừng um sùm ngay ngoài cổng, thằng bé chỉ biết thấy hai đứa bạn nhà giàu gần nhà được sắm đồ mới nên cũng lạch bạch chạy về nhà đòi mẹ sắm đồ. Đứa bé 3 tuổi đó có lẽ không hiểu được những đắn đo của nỗi lòng người mẹ khi bấm bụng mua trả góp để con có manh áo mới mặc cho bằng bạn bằng bè. Với tấm áo xúng xính đó, mẹ chở mình bằng xe đạp đi vào thị xã chụp hình, thằng bé mặt phúng phính mắc cỡ không dám cười vì bị sún răng, mẹ phải động viên là áo đẹp thì cười lên con. Nó làm như giả bộ cười nhưng kì thực là thích lắm. Thích vì có áo mới, áo jean nguyên bộ, giày đánh cộp, oách lắm chứ bộ. Ngồi ôm mẹ thật chặt phía sau, nó không để ý là áo mẹ đã sờn. Nó không bao giờ hiểu được hết mẹ nghĩ gì mỗi khi Tết đến. Có lẽ thế thật, tấm lòng và sự hi sinh của mẹ vĩnh viễn là thứ bí ẩn lớn nhất và thẳm sâu nhất của vũ trụ mà ta phải luôn tự hào và hãnh diện khi có được. À, rồi Tết trong mình là hội chợ Tết nữa nè. Là gánh lô tô huyên náo một góc sân vận động, là những vòng quay ngựa gỗ, là mấy trò chọi đồ, thả con bọ. Mẹ dúi vào tay mấy đồng tiền lẻ để chơi, và mình thì thỉnh thoảng ăn may trúng vài gói mì hai con tôm để lột ra ăn ngon lành mà thấy Tết lắm rồi. Nhà nghèo, đêm giao thừa của hai mẹ con cũng đi ngủ sớm. Mẹ vẫn thường hay bế mình về khi thằng bé mập ú nằm lăn quay ra ngủ ở nhà hàng xóm khi đi coi ké vô tuyến. Thường thì mình chẳng bao giờ đón giao thừa để khi mở mắt ra đã là năm mới để dụi vào lòng mẹ như mỗi buổi sáng thường ngày, rồi ớ ra Tết nên mẹ được nghỉ làm không phải đi làm pháo, không phải đi dệt thảm và mẹ sẽ ở với mình cả ngày. Vậy là Tết lắm đó.Tết của người nghèo chắc chộn rộn hơn người giàu, mình nghĩ vậy! Mẹ buôn chuyến cho Tết, tất tả những chuyến xe xuôi ngược miền Tây để buôn gà cho Tết. Mẹ là người rất giỏi, mẹ có thể không uống nước suốt chuyến xe dài vì muốn dành dụm thêm vài chục đồng bạc lẻ cho gia đình. Những chuyến hàng cận Tết luôn đem đến nhiều hi vọng và cũng là những rủi ro. Hi vọng sẽ có thêm tiền để Tết của nhà nghèo đỡ tủi thân. Nhưng cũng rủi ro khi những con gà rù thiểu não không ai thèm mua và mẹ hốc hác bươn bả giữa nắng chang chang của chợ Tết ngày 30 lạc lõng người.Chiều 30 Tết, mẹ về, đem thịt về cuốn chả giò để con có cái Tết cho tươm. Thịt chợ chiều, hoi nồng mùi khổ, vậy mà con vẫn thấy ngon lắm vì với mình mẹ luôn là đầu bếp giỏi nhất và có tâm nhất.Ở nhà đã là 30 Tết rồi! Ngày cuối cùng của năm cũ, ngày để trở về. Ông anh nhắn tin từ Tân Hiệp báo là đã về nhà – nhà bên bờ kinh – nghe bình yên sớm tối với gia đình cho trọn hẳn 10 ngày. Cô bạn buông câu “còn chừng nửa tiếng nữa là đến nhà rồi mày ơi. Nôn nao dễ sợ!”. Nhà! Tiếng này nghe ngày Tết chắc thiêng liêng hơn nhiều dữ lắm. Tại tự dưng ông bạn hỏi đúng lúc tủi thân quá trời quá đất: Đứng chờ tàu giữa trời tuyết lất phất. Cái tự dưng bạn hỏi: “Bên đó chắc Tết không có mấy món Việt hay mai đào đâu nhỉ...
    続きを読む 一部表示
    6 分